Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Dúi có mình tròn trịa giống heo, rụt rịt không cổ, lại phủ dầy lông như heo rừng, giống chuột ở đôi mắt nhỏ, lồi, tròn, đen như hạt nhãn, đôi tai tròn nho nhỏ, bốn chân bén móng vuốt và cái đuôi đích thị đuôi chuột, còn giống thỏ ở bộ ria, mũi, mõm và nhất là hai cặp răng cửa trên, dưới to bản và rất khỏe nữa! Người ta còn gọi là con cúi hay “ Heo Đất” và chỉ nặng khoảng trên dưới 1,5kg.

Đây là loài gặm nhấm, họ nhà chuột, thường đào hang ở rễ bung, tre nứa, lồ ô, cùng nhiều loại rễ cây khác lân cận. Vì thường chỉ sống, chiến đấu và lao động dưới địa đạo âm u, chỉ di chuyển lên mặt đất vào ban đêm, nên thiên hạ ít người có dịp chiêm ngưỡng được bóng dáng con dúi giữa thanh thiên bạch nhật.
Có ba yếu tố giúp người ta phát hiện ra nó. Đó là một cụm cây bung, cây tre nào đó héo khô trên ngọn, chứng tỏ có sự hoạt động tích cực của dúi, đã xơi tái hết mầm củ bên dưới. Thứ đến, đứng bên bụi bung, tre, nghe tiếng rồn rột đều đặn vang lên từ lòng đất, là “ Heo Đất” ta đang hồ hởi phấn khởi ra sức cạp củ tre. Sau nữa là bên gốc bung, thấy có đùn đất mới đùn lên, mà cửa hang bị vụng về chèn đất kín, ấy là hang “ Heo Đất” nhà ta! “ Heo Đất”  ta đào lỗ rồi xe đất thành nút chặn cửa hang để bảo đảm an toàn sinh mạng, phòng chống các vị khách không mời mà đến, như rắn rết, bọ cạp và nhất là con người!

Khi biết được có dúi dựa vào những yếu tố trên, người đi săn liền dùng cuốc, mai đào xuống ụ đất khả nghi đó. Đến đây, họ mới bắt đầu bước vào ma trận bát quái bao nhiêu đường ngang ngõ dọc, ngã ba, ngã tư, ngã năm, leo lên, chúc xuống quanh co địa đạo bí mật chứa chan bất ngờ!

Một hang ổ con dúi có chiều dài khúc khuỷu, hang cùng ngóc ngách loanh quanh khoảng chừng trên dưới 100 mét, nên đào bắt dúi là cả một thách đố đầy thú vị và khấp khởi hồi hộp lẫn hy vọng. Hai người cùng đào bới cũng phải đến nửa ngày để may ra tìm được hắn. Hên lắm thợ săn mới bắt được một cặp uyên ương, hay trọn ổ ba con… Vừa đào xuống khoảng 3, 4 tấc, vừa thăm dò nhiều lần, để chặn trước đón đầu các khúc quanh đột ngột, người đào có thể được dẫn đến tới chốn thâm cung. Một tổng hành dinh rộng rãi, sâu thụt xuống 7, 8 tấc đất, bố trí dăm bẩy đường ra vào.

Thường đốt giai đoạn, thợ săn kiếm nước đổ xuống ngập hang, chờ con dúi ngoi lên. Lắm khi cả trên 200 lít nước mà vẫn chưa thấy dúi đâu. Nếu dùng can nhựa đã đựng xăng dầu mà múc nước, thì dúi sẽ không chịu nổi mùi vị văn minh đượm khí thải ô nhiễm, mới mau chóng chịu quy hàng.

Thấy cái mũi thò lên, chớ vội mừng, vì còn ở dưới địa đạo là còn sức chiến đấu. Dúi ta bấu chặt móng vuốt cả bốn cẳng thụt lùi lại, trong khi thợ săn chỉ có thể núm được tí gáy trơn trượt, rồi còn phải tránh né bốn cái răng bàn cuốc hung hăng dữ tợn nữa kia ! Do đó cần mở rộng hang, mới có thể khống chế phút kháng cự đầy tuyệt vọng ấy.

Đôi khi, con dúi láu cá trốn vào một ngách cao nào đó, mà thợ săn vô tình thiếu kiểm tra kỹ, có thể tay trắng về không ! Vậy cho nên trăm hay không bằng tay quen, cứ từng bước dò tìm, phân tích và tỉnh táo đào và đổ nước, mới mong có kết quả đáng mơ ước.

Vì chui rúc đóng chốt dưới hang sâu tối đen, nên cặp mắt dúi gần như mù lòa dưới ánh sáng mặt trời chói chang, hắn chạy vừa ngập ngừng, vừa loạng choạng khi vừa đào thoát khỏi hang. Nên thợ săn chẳng mấy khó nhọc gì bắt gọn lại trên đường.
Các món ăn từ dúi

Bắt sống cắt tiết nhớ hãm huyết ngay với rượu, để hồi sau còn hữu dụng. Thời buổi heo tai xanh khắp nơi hiện nay, hãy tạm quên đi món tiết canh mát rượi. Bắc ngay một mồi nước sôi làm lông. Sau đó cần thêm rơm rạ thui vàng, vửa dậy mùi thơm đặc trưng hấp dẫn, vừa ngả màu vàng cứ ứa ra nước miếng !

Chẳng có mấy con thú có bộ lòng sạch sẽ như thế. Ruột mề bao tử chỉ rặt rễ củ tre, bung, chẳng vương một chút tạp chất nào khác. Dân sành điệu đưa cay thịt dúi chẳng hề nơm nớp dopping tăng trọng, hoặc nhiễm vi khuẩn, hay dịch bệnh …

Tùy theo khẩu vị thực khách mà lọ mọ thịt dúi với riềng mẻ rựa mận, hấp xả, nướng hay cà ri, nước dừa,.. Món nào cũng thật bắt mồi, nhưng cần lưu ý một điểm nho nhỏ : Da “ Heo Đất”  tuy không dầy, nhưng khá là bền vững, sẽ thử thách căng thẳng hàm răng của thực khách. Do vậy, khi chế biến, cần theo dõi độ đàn hồi của da dúi. Nếu còn quắt lại, ấy là chưa xử lý đúng mức, ngược lại, là da cần nở đều, trong veo, nhai mới sần sật và beo béo ! Còn thịt thì cứ đậm đà ngầy ngậy chẳng biết so với thứ gì cao lương mỹ vị hơn được.

Thật là một món thịt dành riêng cho người ăn kiêng, vì con dúi trông béo núc ních, nhưng lại chẳng có tí mỡ nào biểu tình dưới da, ngoài chút mỡ chài bám vào thành ruột.

Cứ làm một ngụm rượu huyết dúi, khà một cái,.. rồi nhẩn nha gắp lên một miếng rựa mận chua chua, ngọt bùi, hay một miếng cà ri cay cay xả ớt, lặng lẽ nhai cho tan dần theo chân răng, thấm vào các mao vị trên lưỡi, lan tỏa đến tận trung khu thần kinh, cứ như thoát ra khỏi xác phàm, lạc vào trốn bồng lai tiên cảnh! Khiến mấy ai quên được cái cảm giác đầy ấn tượng khi đã được một lần thưởng thức cái thứ “dúi nhục” hiếm hoi ấy.


Chẳng biết hư thực ra sao, khi nghe nói huyết dúi còn chuyên trị ho hen, đàm suyễn, mất sức, mắt hoa, tai ù… Chỉ biết rằng sáng hôm sau, tỉnh dậy vô cùng sảng khoái, như chưa một lần nếm một giọt rượu nào.
Chúc các bạn vui vẻ!

Tagged:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét