Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Nuôi dúi (Heo đất) không biết cách rất khó thành công, nhưng khi đã nắm bắt được quy trình, kỹ thuật, tôn trọng đặc tính tự nhiên của loài dúi thì không nuôi con gì nhàn và đơn giản hơn. Dưới đây là hưỡng dẫn cách nuôi dúi tại nhà chi tiết cho các bạn:
1. Chọn mua dúi giống
Với bà con mới nuôi dúi lần đầu nên mua dúi nhỏ về nuôi, như vậy sẽ đảm bảo dúi lớn lên sinh sản tốt vì dúi con rất dễ thích nghi với mọi điều kiện chăn nuôi.
2. Làm chuồng nuôi
Địa điểm nuôi dúi lý tưởng là một khu thật yên tĩnh (điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình nuôi dúi sinh sản). Chuồng dúi nên tránh ánh sáng trực tiếp (trong tự nhiên ngày dúi ngủ trong hang, tối mới ra ngoài đi kiếm ăn). Chuồng nuôi sinh sản mỗi ô rộng khoảng 50cm, dài 0,8 – 1m, xây tường cao 70cm bên trong tô xi măng thật láng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Mỗi ô chuồng dùng cho một con. Làm chuồng nuôi thương phẩm, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2m2 trở lên, xây tường cao 70cm trở lên. Trong chuồng đặt các ống cống nhỏ hoặc các gốc cây, số lượng này phụ thuộc vào mật độ đàn nuôi thương phẩm. Chú ý mật độ càng nhiều thì cần nhiều ống và các loại gốc cây để chúng trú ẩn, tránh nhau để không cắn nhau.
Có thể sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi sinh sản, tuy nhiên người nuôi dúi cần phải nhận biết được khi nào con dúi cái mang thai và phải tách nó ra trước khi nó sinh sản, nếu không khi sinh sẽ bị con khác ăn con hoặc có thể dúi mẹ cũng ăn con.
3. Thức ăn
Thức ăn của dúi phong phú và đa dạng, bao gồm tất cả các loại rau, củ, quả, rễ cây, mầm cây ngọt bùi, đắng chát…, thức ăn tinh hỗn hợp, thức ăn bổ sung khoáng, sinh tố… thức ăn động vật gồm côn trùng, ốc, giun đất…
Có thể thay dầu dừa, dầu phộng bằng giun đất, côn trùng (kiến, mối, sâu, bọ…), thức ăn tinh hỗn hợp có thể dùng thức ăn viên dùng cho gà con, vịt con 1 tháng tuổi của các hãng chế biến thức ăn. Người nuôi có thể điều chỉnh lượng thức ăn bằng cách quan sát, nếu sau 12 giờ cho ăn thấy dúi ăn hết thì bổ sung thêm, ngược lại nếu thức ăn còn thừa nhiều thì giảm bớt những lần cho ăn sau. Khi cho ăn đủ thức ăn rau, củ, quả tươi thì dúi không cần uống nước hoặc uống ít nước. Thức ăn còn thừa sau 12 giờ, bị úa vàng, chua, mốc phải bỏ đi, đảm bảo cho dúi thức ăn tươi, xanh, sạch đề phòng bệnh tiêu chảy, dúi sẽ khỏe mạnh ít dịch bệnh… Dúi thường chịu rét tốt hơn chịu nóng, nếu nóng trên 34 độ C, cần có quạt thông gió cho thoáng mát.
Về khẩu phần thức ăn trung bình cho 1 con/ngày như sau:
– Dúi 2 đến 3 tháng tuổi: 50 đến 100g rau, củ quả; 5 đến 10g thức ăn hỗn hợp và 5 đến 10g lúa, ngô, đậu các loại.
– Dúi 3 đến 6 tháng tuổi: 100 đến 250g rau, củ, quả; 10 đến 15g thức ăn tổng hợp; 5 đến 15g thức ăn hạt thóc, đậu và 3 đến 10g khô dầu lạc, khô dầu dừa.
– Dúi 6 đến 9 tháng tuổi: 250 đến 350g rau, củ, quả; 15 đến 30g thức ăn tổng hợp; 15 đến 30g thức ăn hạt các loại và 10 đến 20g khô dầu lạc, khô dầu dừa.
4. Nuôi thương phẩm
Cần chú ý phải cho ăn đủ thức ăn để tránh khi đói dúi cắn nhau. Ngoài ra, cần bố trí các vật trú ngụ sao cho phù hợp để hạn chế tối đa chúng cắn nhau. Nếu cho ăn không đủ tre, mía, thì dúi sẽ bị dài răng và thiếu nước sẽ bị chết hoặc để dúi cắn nhau mà không phát hiện kịp thời chúng cũng rất dễ bị chết.
5. Bệnh của dúi và cách phòng ngừa
- Bệnh đường ruột: Thường do khẩu phần thức ăn cung cấp không đầy đủ thành phần và giá trị dinh dưỡng nên dúi có thể bị tiêu chảy. Trong trường hợp đó, ta có thể dùng thuốc điều trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn, nước uống đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa… Để phòng bệnh tiêu chảy, không nên sử dụng các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn phải phong phú và đa dạng.
- Bệnh ký sinh trùng ngoài da: Do ve, mò (1 loài ký sinh) cắn gây nên ghẻ lở, ta có thể dùng thuốc kháng sinh bôi hoặc dúi tự liếm cũng có thể khỏi. Để phòng bệnh, ta nên định kỳ vệ sinh sát trùng, tẩy uế chuồng trại và xung quanh 1 – 2 lần/tháng.


Chúc các bạn thành công!

Tagged:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét